Nét của Chóe
Phan Ngọc Thường Đoan
Báo VĂN NGHỆ số 17 – ngày 20 tháng 05 năm 1999 - trang 5
Trên rất nhiều tờ báo bạn đọc thường thấy cái tên hoạ sĩ Choé xuất hiện ở góc dành cho biếm hoạ. Nhưng với Choé thì không thích gọi đó là tranh biếm hoạ mà theo anh nên gọi đó là hí hoạ, vì nó là lột tả được cái tốt lẫn cái xấu. Điểm nhắm đến của hí hoạ là con người, những con người méo mó qua cái nhìn hài hước của hoạ sĩ được thể hiện bằng nét bút hí hoạ.
Nhưng muốn thể hiện được loại hình này, người hoạ sĩ trước nhất phải vững vàng về hình hoạ, sau đó có cái tâm trung thực, một trái tim nhạy cảm và một cái đầu quyết đoán, có tư duy và phải đeo bám thời sự đồng thời phải có thời gian luyện tập nhuần nhuyễn để khi thể hiện nét phải sắc, phải thuyết phục, có như thế mới vo tròn, bóp méo cường điệu hoá mọi vật thể một cách đúng đắn. Nhưng rất tiếc là hiện nay chưa có trường lớp, chưa có khoa hí họa để hướng dẫn những người thích đi con đường này, những người đến với hí họa đều do năng khiếu rồi tự phát triển theo lối tự phát.
Choé tên thật là Nguyễn Hải Chí, nhưng anh thích cái tên Choé vì đó là bút hiệu mà một người bạn nhà văn đã nghĩ ra, choé là tiếng cãi nhau của loài chụôt, chúng cãi nhau chí choé suốt ngày cũng như anh suốt ngày cắm cúi vào những nét hí hoạ của mình. Thoạt trông thì thấy anh rất dữ dằn, bặm trợn với đầu tóc râu ria tua tủa cùng thời gian, nhưng có giao tiếp với anh rồi mới biết đây là một con người rất hiền lành, ngoài sự hài hước anh còn làm thơ, viết văn và làm cả việc sáng tác nhạc nữa. Nhưng những phần sau chỉ có bạn bè trong giới biết thôi và cũng là cõi riêng của anh, anh nghĩ đến âm nhạc khi anh không làm được gì, những lúc ấy giai điệu của bài hát giúp anh thư giãn cân bằng lại đầu óc, anh nói anh không thích ôm đồm nhiều như vậy nhưng mỗi thứ nó tự tìm đến anh vào từng hoàn cảnh khác nhau và sự liên đới của nó cũng giúp anh thành công hơn và tiến xa trong lĩnh vực chính của mình là tranh hí hoạ.
Choé vẽ tranh không lời, tranh đối thoại trên các báo, anh quan tâm đến tất cả những đề nào mang tính thời sự, có tính khôi hài và anh phân tích rất rạch ròi: “Chọn nét đơn giản cho tranh hí họa trong nước vì ta thường nặng về văn hoá xã hội. Nhưng khi cần tham dự với nước ngoài, anh bắt nét phải bén, sắc và sát thực tế bởi vì các nước châu Âu, châu Mỹ luôn nặng phần chính trị và luôn quan tâm, để ý đến các nhân vật trong chính trường hàng ngày.”
Một vài lần tôi hỏi Choé sao anh thích vẽ tranh hí hoạ như vậy, ngoài thể loại này anh có thể thành công ở những thể loại khác như tranh sơn dầu chẳng hạn?
Choé tâm sự: “- Tranh sơn dầu góp phần tăng thu nhập cũng như giải toả phần nhu cầu của con tim, nhưng hí hoạ là thực tế, là con đường đi nhanh nhất góp phần trong việc định hướng điều tốt xấu giáo dục cho con người, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay, hí hoạ giúp người ta dễ dàng nhận chân ra điều thật điều giả, sự việc, con người chung quanh mình hàng giờ hàng ngày…”