Không gian sống trong tranh Lê Thánh Thư
Mỹ Loan
Kinh Tế Sài Gòn Online, Thứ Năm, 24/12/2009, 16:52 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – Cuộc triển lãm tranh mang tên “Không gian sống” của họa sĩ Lê Thánh Thư đã khai mạc vào 10g sáng nay (24/12) tại Phương Mai Art Gallery, 129B Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM, giới thiệu đến công chúng 35 tác phẩm sơn dầu và acrylic.
Các tác phẩm của Lê Thánh Thư giới thiệu một không gian sống xung quanh mà tác giả nghe, nhìn và khắc khoải mỗi ngày. Cái không gian sống ấy là những con người, những ngôi nhà, tiệm ăn, nhà hàng, khách sạn hay nhà thờ được tác giả đưa vào một không gian sống của màu sắc đỏ, đen, trắng hay vàng bằng những kí hiệu và đường nét đơn giản.
Người xem tranh dễ dàng cảm nhận ra không gian sống của chính họ trong các tác phẩm từ những con người đứng, ngồi, gồng gánh, làm việc, những đồ vật như bàn ghế, quần áo, đèn đóm, biển hiệu, cây cỏ, sông nước, cảnh vật với những kí hiệu đường nét đơn giản xuất hiện cùng một vài dòng chữ quen thuộc như ‘xe ôm’, ‘café’ , ‘cơm’, ‘khoan cắt bê tông’ cùng rất nhiều số điện thoại.
“Đây chắc chắn là không gian sống của Sài Gòn rồi, chật chội và xô bồ, nhưng được tác giả sắp đặt một cách dễ nhìn hơn, thông thoáng hơn và có trật tự hơn. Tôi nghĩ nên có thêm cảnh kẹt xe nữa thì sẽ miêu tả đúng cuộc sống Sài Gòn hơn,” Huyền Trân, một người xem tranh chia sẻ.
Trong khi đó, tác giả Lê Thánh Thư nói “Tôi vẽ không gian sống của Việt Nam, hay cũng có thể là không gian sống tinh thần trong chính mỗi con người, có khi nhỏ bé, chật chội và xô bồ đến nỗi làm người ta nghẹt thở.”
Đánh giá cao các tác phẩm của Lê Thánh Thư, ông Yukio Ogushi, một nhà sưu tầm tranh và chuyên gia tổ chức tranh tại Nhật Bản chia sẻ “Họa sĩ Việt Nam bây giờ đã không còn vẽ phong cảnh nhưng họ vẽ những vấn đề, suy tư, cảm nhận cuộc sống xung quanh, và đó chính là xu hướng tranh đương đại. Tôi thật sự đánh giá cao sự sáng tạo và tinh thần làm việc cũng như lòng đam mê của các họa sĩ đương đại Việt Nam nói chung và Lê Thánh Thư nói riêng. Tôi thích thú khi đọc được các dòng chữ ‘xe ôm’, ‘café’ hay ‘giải khát’ trong tranh của anh, đó là một cái nhìn toàn cảnh một không gian sống rất thật, rất gần và rất Việt Nam.”
Đến với triển lãm, người xem còn có thể xem các tác bức vẽ về hoa sen, hay các tác phẩm khác như cảnh vật, cuộc sống trên sông trong bút pháp của Lê Thánh Thư.
Triển lãm kéo dài đến 30/12.