top of page

Họa sĩ Lê Thánh Thư: "Hội họa đã cứu rỗi tôi"

Diễm Chi

Nguồn: Phụ Nữ Online, 25/12/2009

PN - "Trở đi mắc sông/Trở lại mắc núi/Em trở về ngắt quãng ngày tôi xanh lại đọt chuối/Lá lao linh biếc cả trời chiều ẻo lả/Em đuổi nắng rừng rực đi/Em dồn mưa dai dẳng lại/Bao muộn phiền ngoi ngóp trước hiên nhà/Ngày im ỉm đóng/Tôi lẳng lặng ngồi không..."

Giữa cuộc trò chuyện về triển lãm tranh mới nhất của mình, nhắc đến thơ, Lê Thánh Thư cao hứng đọc lan man những câu thơ mới viết. Thơ anh cũng như tranh anh, đều gây ấn tượng đặc biệt với người nghe, người xem.  

PV: Với loạt tranh mang chủ đề Không gian sống của cuộc triển lãm, anh muốn gửi đến người xem những thông điệp gì?

Họa sĩ (HS) Lê Thánh Thư: Tôi muốn thể hiện một không gian sống của con người quá đậm đặc, quá ngột ngạt, quá nhiều sức ép... khiến tâm thái con người bị đè nén, bị biến dạng, mất cân bằng...

Họa sĩ Lê Thánh Thư bên tác phẩm Không gian sống

* Và "không gian sống" đó đã được mã hóa thành những ký hiệu, những đường, những vạch... với khuynh hướng giản lược cả về hình thể, màu sắc lẫn bố cục... Một hướng đi mới của anh trong sáng tác?

- Từ năm 1982 đến nay, tranh của tôi đã có nhiều biến đổi qua từng thời kỳ. Trong hơn 10 năm của giai đoạn đầu, tôi đã mày mò, thử nghiệm với nhiều khuynh hướng, nhiều trường phái. Từ năm 1994 đến năm 2007 là sự định hình và khẳng định với trường phái trừu tượng trữ tình. Một lần nhìn thấy con gái tám tuổi của mình viết, vẽ những nét nguệch ngoạc trên tập vở, trên tường, bỗng dưng tôi chợt nghĩ: "Tại sao mình không thử thay đổi cách vẽ, giản lược tối đa về hình thể, màu sắc để tập trung cho đường nét?". Nghĩ là làm. Từ năm 2007 đến nay, tôi đã vẽ với khuynh hướng này. Tôi không biết nên gọi tên nó là khuynh hướng gì, trường phái gì. Tôi chỉ vui vì cách vẽ này đã được giới mỹ thuật cũng như người thưởng ngoạn đón nhận... Loạt tranh của cuộc triển lãm mang chủ đề Không gian sống này là sự tiếp tục và phát triển của khuynh hướng trên.

* Trong sáng tạo nghệ thuật, các HS luôn muốn đi tìm cái mới lạ. Sự tìm kiếm đó có thể dẫn tới cái Đẹp được nhiều người công nhận nhưng cũng có thể cho ra đời những tác phẩm gây khó hiểu, thậm chí gây phản cảm. Anh nghĩ sao về điều này?

- Mỗi HS đều muốn tìm cho mình một con đường riêng. Thường thì khi đã tìm thấy một con đường riêng, đã định hình phong cách được công nhận, nhiều HS lại có tâm lý ngại thay đổi, cho nên cứ giữ mãi một phong cách trong nhiều năm, có khi kéo dài cả đời. Một số ít HS khao khát sự mới lạ và chấp nhận tự phủ định, kèm đôi chút liều lĩnh, để tìm đến những chân trời mới trong sáng tạo nghệ thuật. Họ vẽ trước tiên là cho chính họ, để thỏa mãn niềm khao khát sáng tạo. Tranh đẹp hay xấu, được mọi người đón nhận và đánh giá như thế nào, cần phải có thời gian thẩm định. Nói cho cùng, điều này không quan trọng. Điều quan trọng chính là HS đã dám chấp nhận thử thách, kể cả thất bại, để có thể đi đến cùng trong sáng tạo nghệ thuật.

* Những ngày đầu đến với hội họa, anh ở trọ trong một căn gác 2m2, "sống như một tù nhân với màu sắc, không tiền bạc, không nghề nghiệp" anh có bao giờ nghĩ rằng, trong tương lai, mình sẽ có được tất cả như những gì anh đã có hiện nay?

- Tôi không hề nghĩ đến những điều ấy. Đó là một thời kỳ khủng hoảng và bế tắc. Khi ấy, với tôi, vẽ là sự giải tỏa và hơn thế nữa, là sự cứu rỗi.

* Đã từng vào học tại trường Dòng nhưng rồi anh lại xuất tu trở về với đời. Cho đến hôm nay, anh hạnh phúc hay ân hận với quyết định đó?

- Với tôi, hội họa cũng là "tôn giáo" và "tôn giáo" đó đã mang đến cho tôi đủ đầy hạnh phúc.

* 17 tuổi đã làm thơ và đăng thơ trên các tạp chí văn học có uy tín trước năm 1975... nhưng anh đã không chọn thơ mà chọn hội họa để theo đuổi. Anh có hối tiếc khi đã bỏ thơ như vậy?

- Tôi hoàn toàn không hối tiếc. Đến với hội họa là sự lựa chọn đúng đắn. Thật ra, tôi không hề "bỏ thơ". Nhiều năm qua, tôi vẫn làm thơ như một cách viết nhật ký và đôi khi, đọc cho vài người bạn nghe. Tôi sẽ không bao giờ "bỏ thơ" đâu... Tôi đã đến với hội họa bằng tâm hồn và cái nhìn của một người làm thơ. Khi vẽ, tôi quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục. Tranh của tôi nhiều tính tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc...

* Vài ý kiến nhận xét rằng, thời gian gần đây, phát ngôn của Lê Thánh Thư có vẻ quá... cao ngạo...

- Tôi là người mà lời nói luôn đi đôi với việc làm. Tôi nói điều gì cũng dựa trên cơ sở những tác phẩm, những sáng tạo của mình. Tôi có quyền nói những điều như đã nói. Nếu có ai đó cho rằng, tôi phát ngôn cao ngạo, thì xin mời người ấy hãy xem tranh của tôi trước khi nhận xét.

* Giả dụ, một ngày nào đó anh bỗng mất hết tất cả, chỉ còn lại duy nhất hội họa thì...?

- Thì tôi vẫn sẽ không cảm thấy cô đơn, và vẫn có động lực sống...

* Cảm ơn anh đã dành cho Báo Phụ Nữ cuộc trao đổi này.

bottom of page