“Không gian sống” của Lê Thánh Thư
Hồ Tịnh Tình
Saigon Tiếp Thị Online, Ngày 24.12.2009 Giờ 19:30
SGTT - Khi chọn chủ đề của tranh là không gian sống, chắc chắn Lê Thánh Thư đã chọn cho mình một hướng sáng tác, đã xác định thái độ và mối quan hệ của anh, người nghệ sĩ, đối với cuộc sống. Triển lãm Không gian sống khai mạc lúc 10 giờ ngày 24.12 tại phòng tranh Phương Mai, 129B Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM.
Con người lỗ chỗ, liêu xiêu
Cái “không gian sống” của Lê Thánh Thư thực ra không rộng lớn, bao la như khi người ta nghĩ về một thế giới của con người trên trái đất, một hành tinh giữa muôn triệu hành tinh trong vũ trụ. “Không gian sống” của anh chỉ thu hẹp trong bầu không khí anh hít thở, trong thế giới anh bắt gặp, nghe nhìn, sờ mó, nắm bắt để mơ mộng, tư duy, vui buồn, cười khóc. Trong thế giới đó có hoa lá, cây cỏ, ruộng vườn, sông núi, chim chóc, thú vật, có đô thị, phố phường, hàng quán, cờ quạt, đèn đóm, biển hiệu… và con người. Con người với những bóng dáng, những hình hài, những thân thể. Con người được nhìn từ nhiều góc độ, kể cả góc tối nhất trong tâm hồn. Con người được khắc chạm lỗ chỗ, méo mó, liêu xiêu, mờ nhạt… những bóng ma… Con người được mã hoá thành những ký hiệu, những đường, những vạch. Đây là thế giới không rạch ròi, không hoàn chỉnh, rối rắm. Cái thế giới đó phức tạp nhưng cũng đơn điệu, ồn ào nhưng cũng tĩnh lặng.
Lê Thánh Thư vẽ tranh trừu tượng. Nhưng trong Không gian sống, người ta khó xác định được tranh của anh hữu hình hay trừu tượng. Trong sáng tác điều này không quan trọng, nhưng để hiểu tranh của Lê Thánh Thư, phải xét đến khía cạnh ngôn ngữ trong tranh của anh.
Ngoài những bức tranh vẽ sen, có hình thể rõ ràng, những bức được đặt tên Không gian sống, nhìn tổng thể có thể xem là tranh trừu tượng, nhưng soi kỹ vào từng hoạ tiết, ta thấy vô số hình người, vô số đồ vật. Những đàn ông, đàn bà, đứng ngồi, gồng gánh, mua bán, những áo quần, xe ba gác, nhà thờ, thùng bộng, bàn ghế, những con số, những hàng chữ, những bia, càphê, cơm, phở, khoan cắt bêtông… Tất cả đều được lấy từ cuộc sống thực.
Hình thể giản lược, sắc nhọn
Cái thế giới trừu tượng của Lê Thánh Thư ngày nào đã làm ta thích thú với những đường nét, màu sắc sinh động, huyền ảo, nay đang chuyển dần, lấy lại đường nét, hình thù của cuộc sống thực. Chỉ khác là hiện thực được đưa vào tranh ở dạng đơn giản, ước lệ, là những mẫu hình vẽ những con thú, những đồ vật thường thấy trong đời sống văn hoá dân gian. Ngay cả con người hay những đồ vật lớn như nhà thờ cũng được anh đưa vào tranh dưới dạng giản lược bằng một vài nét sắc nhọn, không phải là những hình thể thường thấy trong hội hoạ mà chỉ là những ký hiệu. Trong Không gian sống, Lê Thánh Thư cũng không sử dụng nhiều màu sắc. Đen, trắng, đỏ là ba màu chủ đạo trong tranh của anh. Thỉnh thoảng anh mới sử dụng một mảng lớn màu vàng, hoặc màu xám nhạt, nhưng chỉ để làm nền. Anh cũng sử dụng màu dưới dạng đơn sắc (monochrome). Trên thực tế khi vẽ loạt tranh Không gian sống, Lê Thánh Thư không chú ý đến hình thể, màu sắc và ngay cả bố cục tranh anh cũng tỏ ra dễ dãi một cách có chủ ý. Bức tranh không bộc lộ cái đẹp mà gợi mở, thúc giục ta hướng đến cái đẹp.
Có thể còn quá sớm để nói rằng Lê Thánh Thư đã khai mở một cung cách mới trong sáng tác mỹ thuật. Nhưng quả thực, Lê Thánh Thư đã làm điều lạ thường khi đưa cuộc sống xung quanh mình vào tranh bằng thứ ngôn ngữ mang tính cách ký hiệu như thế. Cái thế giới được mô tả trong tranh của Lê Thánh Thư, do đó, mang ý nghĩa truyền thông về cái đẹp đã bị khuất lấp, bị che giấu, cái đẹp khắc khoải trong tâm thức của người nghệ sĩ.
Với cuộc triển lãm tranh Không gian sống, Lê Thánh Thư đã ghi một dấu ấn sắc nét trên bước đường sáng tạo của mình. Anh đã làm việc rất nhiều để tìm cho mình một con đường riêng trong sáng tác hội hoạ. Không gian sống đã mở ra cho anh con đường đó với những tín hiệu lạc quan. Nhưng để tất cả trở thành một giá trị, cần phải có thời gian. Chắc chắn Lê Thánh Thư sẽ đạt được điều anh mong muốn. Vì anh giàu khát vọng sáng tạo.