top of page

Thi – Họa Phan vũ 

Vương Tâm

Hà Nội Mới, 09/03/2010 11:55

(HNMO)- Có một Phan Vũ thơ, với trường ca “Em ơi! Hà Nội phố”, nổi tiếng là nghệ sĩ trình diễn thơ đầu tiên ở nước ta. Đọc thơ xong rồi đốt bản thảo. Coi như tác phẩm ấy đã trở về cõi hư vô. Chính nhà thơ cũng tự nhận mình thích đọc thơ hơn in thành văn bản.

Nhìn ông đứng trên sân khấu đọc thơ, khó ai tin, vóc dáng ấy, phong thái ấy và nụ cười ấy, giờ đã ở tuổi 84. Một “ông Hổ” đã về già nhưng vẫn còn lang thang tìm mồi trong cánh rừng sâu!? Phải nói ông rất có khả năng truyền cảm và có duyên khi diễn xuất thơ. Đặc biệt từ khi thơ ông được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, với ca khúc cùng tên, người yêu thơ ông càng ngày càng nhiều.

Đồng thời có một thi sĩ Phan Vũ lãng tử chẳng màng tới danh lợi với thơ ca. Là hội viên Hội Nhà văn vào thời kỳ đầu tiên, năm 1957, nhưng lại mải mê làm nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và chỉ thích đọc thơ trên nền nhạc.  Mãi tới năm 2008, khi lên lão 82, ông mới cho in tập thơ đầu tiên “Thơ Phan Vũ” cùng với trường ca về Hà Nội. Vậy là chưa có tác phẩm nào như “Em ơi! Hà Nội phố” được xuất bản miệng và sống tự do ngoài văn bản lâu đến như thế, khoảng 36 năm (1972-2008). Và cũng không hề có nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn nào, mãi tới 82 tuổi mới có tập thơ đầu tiên. Khi hỏi thơ ông có gì mới, sau bao năm ấp ủ, thì ắt hẳn bạn sẽ được nghe bản “Tự Hoạ”, do chính giọng ông đọc, một cách trầm lắng rằng:

“Gã trần trụi đi qua thời gian
Một nhịp
Mông mênh hun hút gió
Và một đam mê ảo điên rồ
Khi kim đồng hồ chỉ vào số trắng
Trong độ chênh ngày tháng
Không có gì trối trăng” 

Rồi nữa, ông kể về “Em” ở Hà Nội phố, sau những cuộc ném bom của giặc Mỹ, với nhiều tâm trạng sâu sắc đến lạ lùng. Bởi “Ta còn em…” trong tâm hồn thi sĩ như một lời thách thức: “Cứ ném bom đi, ta vẫn sống. Vẫn còn những kỷ niệm, những hoài niệm yêu thương của đất kinh kỳ ngàn năm”. Đó là màu xanh của thời gian trong thơ Phan Vũ.

Ngược thời gian, lại nhớ từng con giáp một, người ta vẫn chẳng có thể quên một Phan Vũ của sân khấu, khi ông là tác giả của vở kịch “Lửa cháy lên rồi” hồi 1956, được giải nhì (không có giải nhất), với hàng trăm đêm diễn và hàng chục ngàn người đến xem. Thành công của ông lúc đó, vào tuổi 30, quả là xuất sắc và được đánh giá là một tài năng sân khấu. Sau đó, ông còn có vở thứ hai là kịch “Thanh gươm bà mẹ”, nhưng rồi đúng như bản tính ham mê khám phá của mình, ông lại nhảy sang lĩnh vực điện ảnh. Ông ham hố một cách đáng yêu như vậy nhưng lại gặt hái không ít thành quả. Chưa hết, sau khi viết kịch bản phim “Dòng sông âm vang”, ông thêm một lần, dấn thân làm công việc đạo diễn, vào thập kỷ 70. Ông đã thành công qua các phim “Người không mang họ”, “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”.

Và tình duyên của ông với nghệ sĩ điện ảnh Phi Nga, trong thời gian này, đã trở thành câu chuyện đẹp và nổi tiếng trong ngành điện ảnh còn non trẻ của đất nước ta. Diễn viên Phi Nga là học viên khoá 1 (1959-1962) trường Điện ảnh Việt Nam. Ai cũng rõ, diễn viên Phi Nga nổi tiếng từ vai chính trong phim truyện Việt Nam đầu tiên: “Chung một dòng sông”. Sau khi làm lễ cưới, cặp trai tài gái sắc Phan Vũ và Phi Nga trở thành một gia đình sống hạnh phúc, có nhiều thành công trong sự nghiệp.Tiếc là cho đến năm1985, nghệ sĩ Phi nga đã mất sau thời gian bị bệnh nặng, khi tài năng đang vào độ chín nhất. Bà hưởng thọ 50 tuổi, để lại bao nuối tiếc cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đồng thời bà mất đi cũng để lại nỗi buồn khôn nguôi trong tâm hồn nghệ sĩ Phan Vũ. Khi ấy ông đã bước sang tuổi 60. Sau này   vào sinh sống tại TPHCM, ông không nguôi nhớ tới vợ, trong nhiều cuộc đọc thơ, khi đốt các trang bản thảo, ông đều nói đó là việc hoá thơ để cho Phi Nga cùng nghe. Ông đã từng nói, cho đến bây giờ, người vợ vẫn trở về trong những giấc mơ.  

Sau hơn hai mươi năm trở về TPHCM, Phan Vũ sẽ vẫn mãi chỉ là “Người nghệ sĩ lang thang hè phố. Bơ vơ. Không nhớ nổi một con đường” như ngày nào ở Hà Nội, nếu không có cơ duyên cầm cây cọ và tự học vẽ. Thực ra duyên cớ để đến với hội hoạ cũng xuất phát từ sự ảnh hưởng của những người bạn như Bùi Xuân Phái. Ông nhớ lại những ký ức rồi kể:

   - Tôi thân với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, nên hay đi theo ông Phái. Ông vẽ về phố còn tôi nghĩ về phố. Nhiều khi đến đêm, lúc một, hai giờ sáng ông Phái còn đem tranh đến nhà tôi treo.
Có lẽ cuộc tình với hội hoạ của thi sĩ Phan Vũ manh nha từ đó. Ông vẽ trong muôn vàn ký ức của những trận bom và vẽ từ tình yêu Hà Nội trong cuộc sống hạnh phúc một thời đem lại bao niềm vui cho ông. Trong “Giai điệu mầu”, có hai bức ông vẽ để minh hoạ cho trưòng ca “Em ơi! Hà Nội phố”, cùng với các đề tài khác như: “Một thoáng Đà Lạt”, “ Hoa đào”, “Cô dâu”, “Ba cô gái trẻ”, “Khi mặt trời đỏ”,”Vườn trăng”, “Vòng lửa”, “Những ngọn cụt”…Ông tự cho tác phẩm “Những ngọn cụt” thể hiện cuộc đời mình và có vẻ đẹp của sự khắc khoải trong tâm hồn.

Tranh của ông hồn nhiên, lãng mạn và pha chút xám của hư vô chợt nhoè, chợt hiện, nhưng lại lung linh trong bố cục mỹ cảm đậm chất phiêu du. Vậy là đến mươi năm nay lại có một hoạ sĩ Phan Vũ vẽ như thơ vậy. Đây đã là triển lãm riêng thứ ba của ông sau những năm mải miết vẽ như muốn cướp thời gian của tạo hoá. Ông làm việc với thái độ quyết liệt chống lại sự bảo thủ và trì trệ của tuổi tác. “Giai điệu màu” xuất hiện vì thế, vì ngọn lửa yêu đang bùng lên ở tuổi 83.
Ông vẽ như lên đồng vậy. Ông tâm sự, từ bốn giờ sáng ngồi bên giá vẽ, say sưa quên mệt với sắc màu, đường nét, trời tối lúc nào không hay.Và, ông còn có cảm giác đến tuổi 80, mới thấy cuộc sống của mình dường như mới bắt đầu. Chả thế có người ví ông là một hoạ sĩ trẻ. Ông chỉ cười hồn nhiên. Chả thế mỗi khi muốn xoá tan nỗi “một mình”, ông lại phóng xe từ nơi ở Thủ Đức, lên quận Nhất để lang thang với các bạn trẻ và tìm cảm hứng với mầu sắc. Ông sống với hai tâm hồn, một của cậu bé ngây thơ và một mang dáng vóc sâu lắng, trầm tĩnh của một cụ già, trong cả tranh và thơ ca.

Sự đam mê tưởng như quá sức của ông đã có những câu hỏi nêu rằng, liệu quá tham việc, làm mọi thứ trên đời như thế, liệu ông sẽ trở thành “Sĩ” nào đây? Ông thản nhiên lý giải:

   - Tôi làm nhiều nghề, nhưng đều đạt đến mức chuyên nghiệp, kể cả hội hoạ là nghề mới nhất. Sở dĩ tôi “nhảy cóc’ như vậy là bởi cứ hành nghề được một thời gian, tôi lại cảm thấy có một sự vướng mắc gì đó, cho nên lại…đổi nghề.

Để nhấn mạnh thêm về sự chuyển hướng liên tục trong quãng đời nghệ thuật của mình, ông lý giải một cách sâu sắc hơn:

   - Sức sống luôn ẩn chứa trong mỗi con người. Bị chặn lại, không phải chết đi, mà có sức ẩn chứa cái gì. Đôi khi, đó là cái đẹp của một sức sống khác, tiềm ẩn. Đến hội hoạ là tôi dừng lại rồi. Đến hội hoạ, tôi thấy đủ rồi. Có lẽ vì hội hoạ là phương tiện tôi đựơc tự do thể hiện nhất. Người ta sống luôn có sự chọn lọc mà.

Rồi, lại có người nghĩ với hội hoạ, Phan Vũ “đánh quả” và tìm vận may cho danh vọng cuối đời mình. Ông nheo mắt im lặng. Nhưng lại có người nói, ông vẽ tranh là để bày cuộc chơi, bày cuộc đi, không khởi thuỷ và chẳng chung cuộc. Phan Vũ, nếu có là một hoạ sĩ, thì cũng là một hoạ sĩ “vô mưu”, “vô lợi” và “vô ý”. Ông mỉm cười. Về chuyên môn các hoạ sĩ chuyên nghiệp đều nhận ra, ông đã kết hợp thủ pháp điện ảnh đã được thi ca hoá, để bố cục tranh vẽ; đó là một kiểu hoà trộn khó nắm bắt nhưng lại rất thơ mộng. Còn ông thì chỉ bộc bạch:

   - Tôi thích gì vẽ đó. Tôi vẽ tranh không phải để bán mà vẽ trước hết để cho mình hưởng thụ. Không quá chú trọng vào chủ đề, tôi vẽ chỉ là thể hiện một số suy nghĩ hàng ngày…


 Nhưng có lẽ hoạ sĩ Nguyễn Quân có lý khi nhận xét:
   - Hoạ trung… của cụ Phan Vũ có thơ và có nhạc, có triết lý và có ái tình…Trong cái “Vườn xuân” ấy ta phải phát ghen và chúc mừng một tâm hồn mãi thanh tân.

Đó là câu chuyện năm 2009, của hoạ sĩ “Trẻ” Phan Vũ đã chiến thắng thời gian, ông bày tỏ:

- “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần những bài thơ. Một cái gì đó như chút bi tráng tự sự với những mầu sắc sặc sỡ, đối lập nhưng lại có độ trầm lắng tạo thành nỗi buồn dịu êm” 
Giờ đây ngồi vẽ tại ngôi nhà khuất sâu trong con hẻm nhỏ ở quận Thủ Đức, thi sĩ họ Phan như muốn ở ẩn để có nhiều thời gian dành cho hội hoạ. Với ông bao dự định còn đang ấp ủ, còn ngàn tứ thơ ẩn chứa và vạn hình tượng cùng mầu sắc về những nơi ông đã từng sống đang lấp lánh trong tâm hồn, sẵn sàng tuôn trào với cảm xúc thanh xuân. Ông trẻ lâu trong sáng tạo cũng vì sự ham muốn công việc đến cuồng nhiệt cùng với những điều ước giản dị. Ông ước sẽ trở về quê mẹ Hải Phòng để vẽ biển cùng những con tầu luôn hướng về khơi xa, nơi ông được sinh ra với bao kỷ niệm vui buồn. Rồi, ông cũng mơ có ngày trở về quê cha, Đà Nẵng để vẽ trên đỉnh Non Nước cùng với sự ám ảnh của con đường phố cổ Hội An. Và, ông còn mơ đến ngày đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, sẽ trở về Hà Nội để đọc trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” trước dòng người náo nức đi trẩy hội. Và ông hình dung, khi ấy người vợ thân yêu, nghệ sĩ Phi Nga sẽ hiện về như trong cơn mơ, để nghe ông đọc thơ về Hà Nội. Đoạn thơ mà ông thích nhất sẽ vang lên như muốn tặng riêng cho những ai có nỗi buồn chia xa trong tình yêu:

 “…Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhoè
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng…”   

Dường như ông chuẩn bị đón năm tuổi của mình như vậy chăng? Với cây cọ còn ướt mầu son, tô đậm cho cây cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn cổ kính, để đón năm con Hổ dũng mãnh – 2010, đứng trước những vận hội hoà nhập với cộng đồng năm châu bốn biển của thủ đô ngàn năm yêu dấu.

bottom of page