Phan Vũ: bắt đầu cuộc đời từ tuổi 80
Trần Nhã Thụy
Tuổi Trẻ Online, Chủ Nhật, 20/08/2006, 05:07 (GMT+7)
TT - 1. Giữa hai chúng tôi; một già, một trẻ, đã có những cuộc nói chuyện dông dài trong những không gian khác nhau. Một quán cà phê vỉa hè, một bar sang trọng, một tụ nhậu ồn ào, một căn phòng sáng gió...
Người khởi xướng những cuộc trò chuyện đó, kỳ thực từ lâu đã “chạy trốn” đám đông; không tuyên ngôn, tuyên bố; không ngẫu hứng, buông thả... Người đó đang chắt chiu những mẩu thời gian nhỏ bé, quí giá dành cho công việc. Những cuộc nói chuyện “mở”, không câu nệ ghi chép, chất vấn làm cho cả đôi bên cảm thấy nhẹ nhàng.
Rồi quay trở lại với công việc. Từ bốn giờ sáng đã ngồi bên giá vẽ, say sưa miệt mài cho đến lúc tràn đêm. Tạm ngắt cái mạch vẽ lại, chẳng phải để nghỉ ngơi mà quờ tay tìm tập thơ cũ, những bản nháp. Đọc và triển khai, và gạch bỏ, và dừng lại... Dừng lại để lắng nghe mình. Ta là ai? Có phải là gã trần trụi đi qua thời gian (!). “Đã chẵn 80 tuổi rồi mà cuộc đời như mới bắt đầu”(!). Phan Vũ bảo như vậy rồi cười khà, một nụ cười thật thà.
Nói Phan Vũ là người thật thà có lẽ chưa chắc nhiều người đồng ý. Con người mà cứ “đi năm bước có một chuyện tình” lại là một người thật thà ư?! Khó tin quá. Nhưng đó là sự thật. Phan Vũ nổi tiếng là yêu nhiều, cuộc đời được “thêu dệt” không biết bao nhiêu là bóng hồng. Nhưng Phan Vũ quả quyết ông chẳng bao giờ đàng điếm, dối lòng, người phụ nữ nào đến với ông cũng bắt đầu từ một tình yêu đẹp. Có những mối tình vừa gặp nhau đã... hẹn ngày chia tay vì biết không thể trùng phùng.
Nhưng đó vẫn là những tình yêu đẹp. Người nghệ sĩ lang thang hè phố/ Bơ vơ/ Không nhớ nổi con đường lại gần như nhớ tất cả những người phụ nữ ông gặp trong đời. Trân trọng họ. Và, ám ảnh nhất vẫn là người vợ thuở ban đầu - diễn viên điện ảnh Phi Nga.
Cho đến bây giờ, người vợ vẫn về trong những giấc mơ. Phan Vũ bảo đó là những giấc mơ đẹp và buồn. Như chỉ cách một gang tay mà xa vời vợi. Biết bao giờ gặp nhau! Cả đời ông dường như chỉ toàn đi tìm những nỗi buồn. “Oái oăm, hay lạ thay nỗi buồn thường là vẻ đẹp. Tôi chưa bao giờ thấy vẻ đẹp nào không buồn. Nỗi buồn quán triệt. Nỗi buồn là sự thật” - Phan Vũ bảo thế rồi bất ngờ đọc lên một câu thơ: Câu thơ cuối dừng trong khoảng lặng.
2. “Đã lâu lắm rồi mình không ngó ngàng gì đến thơ. Cách đây hai tháng, nhân chuyến đi Huế chơi, ngẫu hứng đọc một chùm thơ cho bạn bè nghe. Buổi đọc thơ đó gây một sự đồng cảm lớn, lan tỏa lạ lùng. Chợt nghĩ, té ra thơ mình cũng không đến nỗi tệ” - Phan Vũ kể. Sau lần đọc thơ ở Huế đó, Phan Vũ về lục ngăn kéo, lôi ra tập thơ cũ.
Trong căn phòng nhỏ, đôi khi chợt vang lên một bài thơ với một giọng đọc trầm ấm, nồng nàn. Phan Vũ bảo thật ra ông thích nhất là được đọc thơ với... một dàn nhạc. Thơ mà ông hướng tới là lời và nghĩa ngân vang như Thánh ca. Ông không thích thứ thơ vụn vặt, uốn éo, lộn đầu lộn cổ... Với ông chỉ có một thứ thơ mộc, giản dị, mạnh mẽ, giàu biểu cảm.
Sự lạ từ cánh hoa khô/ ủ nước/ bỗng nồng hương/ ngây lại... Trong tập nháp của Phan Vũ, tôi đọc thấy những câu thơ giàu biểu cảm ấy. Và, tôi nghĩ, với Phan Vũ, có thể nói ông là “sự lạ từ cánh hoa khô”, sự lạ từ sự hồi sinh từ bản thể cùng ý thức, đam mê sáng tạo. Giữa những cuộc trò chuyện dông dài, đôi lúc Phan Vũ lại nhắc đến cái sự “lông bông chán chê” của đời mình. “Nói thật nhé, mình chưa bao giờ nghĩ mình là nhà thơ hay họa sĩ gì cả; còn nghề đạo diễn cũng bỏ quên lâu rồi.
Ở tuổi này muốn làm một bộ phim là chuyện không thể. Mình chỉ còn có thể viết và vẽ. Trong vẽ, mình muốn thể hiện sức mạnh của màu và sự tung hoành của đường nét. Còn thơ, có thể nói mỗi bài thơ là một câu chuyện. Mình không ngồi yên trong căn phòng để mỗi ngày làm một bài thơ. Mà phải sống trước đã.
Bài thơ đã có đâu đó rồi. Công việc của mình là đi tìm nó chứ không phải làm ra nó”. Phan Vũ nghĩ và làm; ráo riết, hối hả; bởi với ông giờ đây đã qua hết những tháng ngày “lông bông”, không có thời khắc nào là bỏ đi. Phan Vũ cười xòa: “Đối với một lão già, điều đó hơi mệt mỏi nhưng không còn cách nào khác. Đời sống của mình bây giờ, nếu nói ví von thì nó luôn căng lên như một cánh cung”(!).
3. Và, những mũi tên đã bay đi. Có thể chẳng có một đích đến, một “tấm bia” nào cả. Đó chỉ là những mũi tên bay đi cùng với những suy tư và tình cảm của một nghệ sĩ đã dành trọn đời mình cho công việc sáng tạo.
Cuối tháng tám này, Phan Vũ sẽ có một cuộc triển lãm cá nhân ở Hà Nội. Nhưng đó không phải là triển lãm “Hà Nội phố” mà là một triển lãm về Côn Đảo với chủ đề Một khúc Côn thương. Để có triển lãm này, Phan Vũ đã nhiều lần đi, về Côn Đảo, sống với những khoảnh khắc đẹp đẽ, độc đáo nhất của bốn mùa. Côn Đảo hiện ra trong tranh Phan Vũ không có hình ảnh của chiến tranh, nhà tù... mà chỉ có thiên nhiên.