Ở nhà trọ chục đô, mua tranh ngàn đô!
Văn Bảy
Văn Hóa Thể Thao Online, Chủ Nhật, 06/09/2009 11:09
(TT&VH) - Có khoảng 20 năm kinh nghiệm và khoảng 15 lần đến Việt Nam lưu trú nhiều tháng liên tục, ông Yukio Ogushi (sinh 1943) đã sưu tập được khoảng 250 bức tranh, và đã tổ chức cho các họa sĩ vài triển lãm tại Nhật, Thái Lan và Việt Nam.
Vậy nhưng ông không thích mọi người gọi mình là nhà sưu tập, người giám tuyển, người môi giới… nghệ thuật. Không dùng điện thoại, internet, trên hành trình độc đạo, ông chỉ có một nguyên tắc duy nhất để làm việc là trực tiếp đến gặp các họa sĩ, thấy thích tranh thì mua.
* Theo tin từ phòng tranh Tự Do và các họa sĩ đã bán tác phẩm cho ông, họ nói trước kia ông làm kinh tế, kinh doanh về nông nghiệp, chuyên xây cất chuồng trại cho gà vịt nuôi công nghiệp. Vậy tại sao 20 năm trở lại đây, ông lại vứt bỏ hết để chuyển qua mua tranh?
- Tôi trở nên yêu thích tranh một cách tình cờ. Năm 1988, tôi và vợ ly hôn, cô ấy trở thành người quản lý hết công việc của xí nghiệp, tôi thành rảnh việc, suốt ngày đi chơi. Bức tranh đầu tiên tôi mua của một họa sĩ trẻ ở Manila (Philippines), vì lý do đơn giản là muốn bức vách gỗ ở nhà có cái gì đó treo lên.
Rồi trong hành trình đi đây đi đó, nhất là khi đến Việt Nam từ khoảng 1989, khi xem và mua tranh của Lê Thánh Thư, tự nhiên tôi thấy mình quá thích tranh. Trong mấy trăm bức tranh mà tôi đã mua ở các nước (phần lớn là của Việt Nam), vì không phải dân chuyên nghiệp, tôi chỉ tuân thủ nguyên tắc: tranh phải gây cho mình cảm xúc; phải của họa sĩ còn sống và trẻ thì càng tốt. Với lại, tôi mua về cũng chỉ cất tại tư gia ở Tokyo, khi rảnh thì lấy ra xem, chưa bao giờ có ý bán chác hay kinh doanh nghệ thuật, nên không sợ chuyện mua đắt bán rẻ.
* Miệt mài trong suốt 20 năm chỉ làm mỗi một việc đi, thấy tranh nào thích thì mua; riêng Việt Nam, ông cũng đến khoảng 15 lần, gặp gỡ nhiều họa sĩ, quan hệ với nhiều phòng tranh và phần lớn các nhà sưu tập. Ông hẳn là một “đại gia” nên mới có thể làm được chuyện này?
- Ồ không, tôi chỉ là người đủ ăn thôi, chứ chẳng phải giàu có gì. Ở Tokyo tôi có một căn nhà cũng rộng rãi, nếu ở đấy một mình thì mỗi tháng tôi phải chi phí hết khoảng 3.000USD, nhưng sang Đông Nam Á, ví dụ Việt Nam, thì mỗi tháng chỉ cần có 500-700USD, dư ra khoảng 2.000USD thì cũng đã mua được 2-3 bức tranh của họa sĩ trẻ. Tôi cũng ngăn căn nhà ở Tokyo thành 2 phần, phần lớn cho thuê, phần nhỏ làm kho bảo quản tranh và phần nhỏ hơn để ở. Tôi cũng có một ít tiền hưu, cộng hai thứ lại cũng đủ để mua tranh lai rai.
Bạn bè họa sĩ Việt Nam đều biết, tôi ít khi nào chọn ở những nhà trọ có giá cao hơn 8USD/1 ngày đêm; tôi thích cà phê đen và miến lươn, cũng khá rẻ tiền ở đây; tôi đi xe đạp thường xuyên, xa thì đi xe đò, xe buýt, nếu phải bay thì chọn loại máy bay giá rẻ nhất.
So với giới mua bán tranh ở Việt Nam, tôi tự hào là ma xó, biết được khá nhiều ngóc ngách giá rẻ mà đa số họ không biết. Người Nhật vốn tiết kiệm, tôi lại thuộc hàng siêu tiết kiệm, nên không dùng cả điện thoại, e-mail, Internet… cho đỡ tốn và cũng đỡ rắc rối.
* Không dùng các phương tiện hiện đại để liên lạc, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến công việc của ông không? Nhất là chuyện đưa các họa sĩ đi triển lãm ở các nước, làm sao thu xếp cho hợp lý?
- Thường thì mỗi năm tôi chỉ tổ chức một triển lãm ở Bangkok, như năm nay thì từ ngày 3 đến 22/8 tại Akko Art gallery, cho 13 họa sĩ người Nhật. Trong khoảng 2 năm thì tôi đưa một họa sĩ Nhật đến Việt Nam hoặc ngược lại, như cuối năm 2008 vừa rồi là họa sĩ Kato Shojiro triển lãm cá nhân ở phòng tranh Tự Do.
Trong năm tới, tôi sẽ đưa một vài họa sĩ Việt Nam sang Bangkok để triển lãm cùng các họa sĩ Nhật và Thái Lan. Cách làm việc của người không phương tiện truyền thông là dùng uy tín để hẹn hò trước, đến ngày đến giờ là diễn ra, nếu có trục trặc thì báo trước để người ta điều chỉnh.
- Vì ở đây lâu năm, nên tôi có thời giờ để xem phần lớn hình chụp tác phẩm hoặc tác phẩm của các họa sĩ từ thời mỹ thuật Đông Dương cho đến nay. Thời Pháp thuộc, tuy có ảnh hưởng phong cách phương Tây, nhưng tranh Việt vẫn có nhiều nét riêng, nên vẫn hấp dẫn người xem hiện nay.
Thời kháng chiến, những ký họa cũng rất cảm xúc và có giá trị tư liệu. Theo sở thích chủ quan, trong khu vực Đông Á, tranh Việt Nam là nhiều chất thơ nhất; ở trong nước, tranh của các họa sĩ miền Nam nhiều chất thơ hơn họa sĩ miền Bắc, nhưng giá bán thì ngược lại…
Nhưng như đã nói, do không phải là người kinh doanh nghệ thuật, nên tôi chỉ mua những tác phẩm vừa khả năng của mình. Tôi đã mua tranh của vài chục họa sĩ Việt Nam, nhưng bức tranh đầu tiên là của Lê Thánh Thư vào năm 1989, và đây cũng là họa sĩ Việt Nam mà tôi thích nhất. Trong cuộc đời nghệ thuật, Lê Thánh Thư có nhiều thay đổi về phong cách và chất liệu, nhưng giai đoạn mà họa sĩ này triển lãm ở Tokyo (1999) với tôi là nhiều chất thơ nhất.